Rục rịch chuẩn bị hàng cho mùa mua sắm lớn nhất năm

Rục rịch chuẩn bị hàng cho mùa mua sắm lớn nhất năm

(PLO)- Một số nhà bán lẻ cho biết nguồn hàng hóa phục vụ Tết 2024 dự kiến tăng 30% so với cùng kỳ.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, mùa mua sắm lớn nhất trong năm. Dù dự báo sức mua sắm Tết sẽ không bằng mọi năm nhưng các DN sẵn sàng chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, đa dạng với giá cả hợp lý.

Không lo thiếu hàng hóa

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết gần đây qua trao đổi các nhà sản xuất, kinh doanh được biết thị trường suy giảm, sức mua yếu, nhiều công ty buôn bán ế ẩm. Trong khi đó, chi phí nguyên liệu đầu vào lại tăng cao và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

 Hiện nay, người tiêu dùng chủ yếu mua nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm.
Ảnh: TÚ UYÊN

Ở góc độ DN, đại diện Công ty C.P cũng cho hay do ảnh hưởng kinh tế khó khăn chung nên từ đầu năm đến nay sức mua các mặt hàng thịt heo giảm 3%-5% so với cùng kỳ. Hiện giá heo hơi cũng đang thấp, dao động quanh mức khoảng 51.000-55.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi không có lãi. Chưa hết, tình hình dịch tả heo châu Phi diễn biến khá phức tạp ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi heo. Tuy nhiên, nhờ chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, nguồn con giống, thức ăn chăn nuôi… nên hoạt động sản xuất của công ty vẫn ổn định.

“Về nguồn hàng chuẩn bị phục vụ Tết của công ty năm nay cũng bằng so với năm ngoái. Chúng tôi dự báo sức mua mùa Tết chỉ tăng nhẹ 4%-8% so với cùng kỳ chứ không sôi động. Với tình hình sức mua như vậy, nguồn cung có thể đảm bảo cung ứng cho thị trường” - đại diện C.P chia sẻ.

Cùng nhìn nhận trên, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart, thông tin do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, chín tháng đầu năm sức mua thị trường sụt giảm. Song bằng các giải pháp kích cầu mạnh nên đơn vị vẫn đạt mức tăng trưởng dương. Về chuẩn bị cho mùa Tết, đơn vị dự kiến tung ra nguồn hàng tăng 30% so với cùng kỳ. Trong đó riêng nhu yếu phẩm hằng ngày, rau củ quả tăng so với ngày thường 50%.

“Chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp trước Tết sáu tháng để không bị ảnh hưởng về nguồn hàng, biến động giá đầu ra” - ông Thắng cho hay.

Đảm bảo mức giá tốt nhất

Ông Phạm Văn Nam, đại diện Công ty cổ phần Acecook Việt Nam, dự báo thời điểm cuối năm sức tiêu thụ các sản phẩm mì gói, miến… sẽ tăng. Do đó, công ty chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ Tết tăng khoảng 20% so với ngày thường. Đặc biệt hiện nay giá nguyên liệu đầu vào sản xuất mì, phở, miến… đều tăng nhưng công ty nỗ lực có mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng.

“Sau khi Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ mức 10% xuống 8%, công ty đã triển khai giảm 5% cho một số sản phẩm mì ăn liền. Đây được xem là chính sách táo bạo của công ty để hỗ trợ về giá cho người tiêu dùng” - ông Nam nói.

Đại diện Saigon Co.op cũng cho hay đơn vị đã nhận được đề nghị tăng giá từ nhà cung cấp nhóm hàng nhập khẩu, thực phẩm công nghệ… do biến động tỉ giá và giá xăng dầu tác động đến chi phí sản xuất của nhiều DN. Nhưng việc tăng giá trong giai đoạn người dùng khó khăn hiện nay không phải là giải pháp tốt. Vì vậy, Saigon Co.op đã ngồi lại cùng đối tác đưa ra các giải pháp, cùng đồng hành đảm bảo cho sự phát triển chung của hai bên và người tiêu dùng mua được sản phẩm chất lượng, giá hợp lý; đồng thời thực hiện đúng chủ trương bình ổn giá thị trường của TP.HCM.


“Mặc dù thắt chặt chi tiêu nhưng chúng tôi nhận định dịp Tết người dân vẫn sẵn sàng mở hầu bao dù không mạnh tay như những năm trước. Do đó, nhà kinh doanh cần có các giải pháp để hàng hóa có mức giá tốt nhất, từ đó người tiêu dùng có thể tiếp cận dễ dàng, đón Tết an vui. Chúng tôi cam kết từ nay cuối năm giữ giá ổn định” - đại diện Saigon Co.op nhấn mạnh.

Tại cuộc họp tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 9 mới đây, Bộ Công Thương cho biết công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết hiện đã được các địa phương, DN triển khai tích cực cùng với chương trình bình ổn thị trường đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Riêng TP.HCM, Sở Công Thương cho hay đang phối hợp với các đơn vị phân phối xây dựng kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yếu chuẩn bị cho dịp Tết 2024.

Mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng có sự thay đổi lớn

Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam, cho biết qua khảo sát của đơn vị từ quý II-2022 đến nay cho thấy những mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng có sự thay đổi lớn.

Cụ thể, nếu khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì vấn đề bệnh tật, sức khỏe gia đình, an toàn thực phẩm… là những mối quan tâm hàng đầu thì hai quý gần đây thu nhập, việc làm ổn định là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, kết quả đo lường của Kantar từ quý IV-2019 đến nay về tình hình tài chính của hộ gia đình cũng có sự biến động lớn. Chẳng hạn, quý II-2021, khi vào đỉnh dịch COVID-19, hơn một nửa hộ gia đình lo lắng về vấn đề tài chính. Bước sang hai, ba quý gần đây nhiều hộ gia đình vẫn lo lắng về tài chính, thậm chí tăng lên nhiều với tỉ lệ 28%.

Đặc biệt, khi nghiên cứu ở nhóm hộ gia đình có thu nhập cao và hộ gia đình có thu nhập thấp cho kết quả thú vị. Cụ thể, 32% nhóm hộ gia đình có thu nhập thấp cho biết gặp khó khăn tài chính. Ngay cả nhóm hộ gia đình có thu nhập cao, thu nhập trung bình vẫn cho biết họ khó khăn về tài chính với tỉ lệ 26%.

Vì vậy, bà Nga cho rằng Tết sắp tới trong bối cảnh người tiêu dùng có nhiều lo lắng về tài chính thì tính ứng dụng cao của sản phẩm rất quan trọng. Chẳng hạn trước đây người dân chọn mua sản phẩm vì sang, xịn thì nay chú trọng đến tính ứng dụng cao như nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh, vì vậy nhà sản xuất, kinh doanh cần quan tâm vấn đề này.