Sở Công Thương TP.HCM nói lý do thị trường Tết kém sôi động
Sở Công Thương TP.HCM nói lý do thị trường Tết kém sôi động
Sở Công Thương TP.HCM khẳng định không có chuyện sức mua giảm trong dịp Tết Quý Mão vừa qua. Thị trường không sôi động chủ yếu do doanh nghiệp bán hàng qua nhiều kênh khác nhau.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết sức mua hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán 2023 không giảm. Tuy nhiên do doanh nghiệp thực hiện nhiều phương thức bán hàng qua nhiều kênh khác nhau như: kênh truyền thống, kênh trực tuyến... Chính vì vậy, khi đi mua sắm kênh truyền thống, khách hàng không thấy không khí sôi động như mọi năm.
Theo thống kê của đơn vị này, tổng mức bán lẻ dịp Tết Nguyên đán năm nay khoảng 57.000 tỷ đồng, doanh số này cao nhất trong 5 năm qua. Do đó, ông Phương khẳng định không có chuyện sức mua giảm trong dịp Tết vừa qua.
Liên quan đến giá cả hàng hóa trong dịp Tết vừa qua, ông Phương khẳng định các doanh nghiệp bình ổn thị trường đã cam kết giá cả hàng hóa được đảm bảo ổn định trong thời gian một tháng trước Tết và một tháng sau Tết Nguyên đán. Do đó, không có tình trạng giá cả tăng đột biến.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM phát biểu tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội định kỳ chiều 2/2. Ảnh: T.N.
Thực tế, theo ghi nhận của AEON Việt Nam, giai đoạn cận Tết, sức mua năm nay cao hơn hẳn so với cùng kỳ Tết 2022, đặc biệt tăng mạnh từ khoảng 28-29 Tết khi mọi người bắt đầu kì nghỉ lễ.
"Khách hàng thường mua sắm trong một lần với giá trị giỏ hàng lớn hơn, mua hàng qua nhiều hình thức trực tuyến bên cạnh đến mua trực tiếp ở siêu thị. Sức mua tăng 5-10% so với năm ngoái", bà Huỳnh Thị Kim Thanh - Giám đốc Trung tâm Bách hoá tổng hợp & Siêu thị AEON Tân Phú cho biết.
Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (SATRA) cũng ghi nhận doanh thu và lượt khách hàng từ ngày 14-26/1 (từ 23 tháng Chạp đến mùng 5 Tết) tăng cao với tổng doanh thu 79.944 tỷ đồng - tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, doanh thu Tết 2023 của Emart cũng tăng khoảng 10% so với cùng kỳ Tết 2022.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kể, tháng một là thời điểm trùng với mùa mua sắm cuối năm và thời gian nghỉ tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng so với tháng 12 nhưng cũng có một số ngành dịch vụ giảm do số ngày làm việc giảm.
Nhìn chung, trong tháng một tình hình kinh tế - xã hội TP đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành gấp 2,1 lần.
Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 34,2% so với tháng 1/2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng một năm nay chỉ đạt 88,1% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.
Nguồn Tạp chí tri thức trực tuyến Zing news.