Sức mua bắt đầu có xu hướng tăng, sau đà suy giảm
Sức mua bắt đầu có xu hướng tăng, sau đà suy giảm
Sau đà suy giảm sâu và kéo dài do kinh tế, việc làm khó khăn, sức mua hàng hóa tiêu dùng tại thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu có xu hướng tăng nhẹ. Nguồn hàng ổn định, giá cả phù hợp với người tiêu dùng.
Người tiêu dùng bắt đầu tới siêu thị đông hơn. Ảnh: Siêu thị GO! (Quận 7).
“Cắt đứt” đà suy giảm
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, hoạt động mua bán tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh sau thời gian dài ảm đạm đã bắt đầu có dấu hiệu sôi động hơn. Nhiều tiểu thương cho biết, hiện sức mua đã tăng nhẹ so với trước đây. Tuy vậy, người tiêu dùng vẫn cân nhắc hơn khi mua những mặt hàng đắt tiền.
Tại chợ Tân Mỹ (quận 7), tiểu thương Mai Thanh, chủ quầy thực phẩm đóng gói và tươi sống cho biết, từ giữa năm đến hết tháng 11, sản phẩm bán ra tại quầy của chị giảm rất sâu, lượng người đến mua thưa thớt. “Mấy ngày nay, số lượng người đến mua hàng đông hơn trước, các loại thực phẩm đóng gói được nhiều khách hàng ưu tiên để dự trữ dịp Tết”, bà Mai Thanh cho hay.
Còn tiểu thương Quỳnh Mai, chủ quầy thịt bò ở chợ Rạch Ông (quận 8) cho biết, thời điểm này, lượng thịt bán ra tại quầy có tăng nhẹ so với thời điểm trước. “Mấy tháng trước tôi phải giảm lượng thịt bò nhập về bán. Đến hiện tại nhu cầu tăng trở lại nên lượng hàng bán ra tăng lên, tôi cũng đã bắt đầu nhập thêm hàng”, bà Mai chia sẻ.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị GO! (Quận 7).
Còn tại hệ thống bán lẻ hiện đại, nhiều quầy hàng tại các siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh treo bảng giảm giá nên thu hút khách hàng đến mua nhiều hơn so với trước đây.
Thời điểm này, tại siêu thị Go!, đường Nguyễn Thị Thập (quận 7), lượng khách mua sắm ổn định, một phần do siêu thị được đặt ở chung cư thuận tiện cho chi tiêu của cư dân. Hầu hết các mặt hàng tại siêu thị Go! giá rất tốt và giảm sâu hơn các siêu thị khác. Đây là yếu tố giữ chân được khách hàng tốt nhất trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay. Đơn cử, giá táo Jazz New Zealand và táo xanh Pháp giảm chỉ còn 59.000 đồng/kg, dưa lưới chỉ còn 43.200 đồng/kg, ức gà phi lê chỉ 76.900 đồng/kg.
Khách thanh toán mua hàng tại siêu thị GO! (Quận 7).
Còn tại Co.opmart, đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), khách hàng đến mua ghi nhận vào cuối giờ chiều ngày 5-12 vẫn không đông, tại quầy tính tiền khách không cần xếp hàng chờ thanh toán. Tuy vậy, nhân viên phục vụ khách hàng tại đây cho biết, lượng khách hiện tại không còn giảm so với thời điểm mấy tháng trước, bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ.
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại siêu thị Co.opmart (Quận 7).
Về phía người mua hàng, chị Bùi Thị Minh Hằng (phường Tân Thuận Đông, quận 7) cho biết, mức thu nhập không theo kịp giá cả thị trường nên phần lớn người lao động thu nhập thấp phải dè sẻn trong chi tiêu hằng ngày. “Tôi làm công nhân trong khu chế xuất Tân Thuận, mức thu nhập hiện tại chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống. Mặc dù vậy, dịp Tết gia đình tôi vẫn sẽ trích khoản tiết kiệm để mua sắm như bao gia đình khác”, chị Minh Hằng cho hay.
Người tiêu dùng được lợi
Theo Hội Lương thực - Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, trong 3 quý đầu năm, lần đầu tiên ngành lương thực, thực phẩm thành phố xuất hiện tăng trưởng âm. Quý cuối năm, ngành này đang kỳ vọng lấy lại đà tăng trưởng dương trong quý cuối năm, cũng như phục hồi tăng trưởng ổn định từ năm 2024.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ tháng 10-2023 trở đi, các doanh nghiệp ngành lương thực - thực phẩm thành phố bắt đầu có những đơn đặt hàng mới. Đây là tín hiệu khả quan cho ngành, doanh nghiệp có thể giữ nhịp sản xuất đến tháng 3, tháng 4 năm 2024.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Co.opmart (Quận 7).
Dự kiến, mùa mua sắp Tết năm nay, ngoài các mặt hàng thông thường, thị trường thành phố Hồ Chí Minh sẽ xuất hiện nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản các vùng miền. Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, các nhà sản xuất và phân phối sản phẩm hàng hóa tiêu dùng cam kết theo 3 tiêu chí là bảo đảm về số lượng, tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng và đa dạng các chương trình khuyến mại, giữ giá.
Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, nhằm chuẩn bị nguồn hàng cho mùa mua sắm cao điểm cuối năm và Tết Giáp Thìn năm 2024, sở đã vận động các doanh nghiệp, hệ thống phân phối cả truyền thống và hiện đại tham gia các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, trọng tâm là chương trình khuyến mại tập trung đợt 2-2023.
Người tiêu dùng chọn mua rau tại siêu thị Co.opmart (Quận 7).
Ngoài ra, dự kiến trong tháng 12-2023, sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành năm 2023 nhằm đa dạng hàng hóa phục vụ người tiêu dùng. Hiện các địa phương trên địa bàn thành phố cũng đang chuẩn bị phát động hưởng ứng chương trình Khuyến mại tập trung mùa mua sắm “Shopping Season” năm 2023. Tất cả hoạt động kích cầu này sẽ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng thành phố.
Hiện tại, sức tiêu thụ tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) - một trong ba chợ đầu mối lớn nhất thành phố Hồ Chí Minh - giữ mức ổn định, sản lượng hàng hóa bình quân đạt 2.500 tấn/ngày đêm, doanh thu đạt khoảng 120-150 tỷ đồng/ngày đêm. Trong đó, thủy hải sản tươi có tỷ trọng cao nhất với khoảng 65% tổng giá trị; thịt các loại khoảng 16%; rau củ quả khoảng 10%; trái cây khoảng 7%... Càng gần Tết, sức mua càng tăng cao.
Ông Trần Sỹ Quý (Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền) cho biết, hoạt động thương mại và dịch vụ tại chợ đang có xu hướng tăng do nhu cầu của thị trường. Dự kiến trong tuần cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, sản lượng hàng hóa có thể tăng bình quân với mức 20% - 35% so với ngày thường, đặc biệt là thời gian cao điểm nhất (dự kiến ngày 26 và 27 tháng Chạp), sản lượng có thể tăng đến 50%, đạt khoảng 2.500 - 3.500 tấn/đêm.