Tân Thuận chuyển đổi sang mô hình khu sinh thái công nghệ cao
Tân Thuận chuyển đổi sang mô hình khu sinh thái công nghệ cao
Trở thành khu sinh thái công nghệ cao đang là mục tiêu của Tân Thuận sau 30 năm giữ vững hình mẫu cho các khu công nghiệp, khu chế xuất trong cả nước. Thành lập trong bối cảnh Việt Nam vừa mở cửa với nền kinh tế toàn cầu, ngày 24-9-1991, Công ty TNHH Tân Thuận (tiền thân là Công ty Liên doanh Xây dựng và Kinh doanh Khu chế xuất Tân Thuận -TTC) được cấp phép thành lập Khu chế xuất Tân Thuận. Là khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam, Tân Thuận được giao những trọng trách về thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết việc làm, du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tăng cường năng lực xuất khẩu và tạo nguồn thu ngoại tệ, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội TP HCM phát triển theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa các vùng ngoại thành.
Dự án văn phòng xây theo nhu cầu của nhà đầu tư. Ảnh: TTC.
Từ 300 hec-ta đầm lầy ngập mặn của huyện Nhà Bè lúc bấy giờ (nay là Quận 7, TP. Hồ Chí Minh), vùng đất hoang hóa khi xưa nay đã trở thành một khu chế xuất, khu công nghiệp mang tiêu chuẩn quốc tế, được bình chọn là "khu chế xuất hấp dẫn nhất châu Á - Thái Bình Dương" - tiền đề cho sự phát triển và thành công của khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng nói riêng và khu vực Quận 7 nói chung. Qua 30 năm xây dựng và phát triển, TTC là một trong những đơn vị phát triển hạ tầng tiên phong của cả nước về thu hút đầu tư, đóng góp ngân sách và phát triển các hình thái kinh tế mới, hiện đại.
Mô hình khu chế xuất Tân Thuận đã khẳng định là một bước đi thành công và hiệu quả, được áp dụng làm hình mẫu cho việc xây dựng chính sách cho hơn 200 khu chế xuất, khu công nghiệp ở các tỉnh thành cả nước. Ngày nay, với hơn 230 doanh nghiệp từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong và ngoài nước, TTC hướng tới mục tiêu phát triển mới là chuyển đổi và xây dựng thành công khu sinh thái công nghệ cao Tân Thuận.
Nhà xưởng, kho xây sẵn sàng phục vụ nhà đầu tư. Ảnh: TTC.
Trong các năm gần đây, ngoài các dự án đầu tư mới của các doanh nghiệp công nghệ, công nghệ cao, khu chế xuất Tân Thuận ghi nhận có sự chuyển dịch về ngành nghề và công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp hiện hữu. Số lượng các doanh nghiệp sản xuất, gia công truyền thống đơn giản đã dần được thay thế bằng các doanh nghiệp mới hiện đại; được đầu tư, đổi mới công nghệ để đáp ứng với tốc độ thay đổi của thị trường công nghiệp 4.0 hiện nay. Tính đến 31-7-202, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp khu Tân Thuận đạt hơn 2,1 tỷ USD, con số này tăng đáng kể so với 1,68 tỷ USD của năm 2016 và 1,56 tỷ USD của năm 2014.
Với định hướng và quy hoạch như hiện tại, cùng thế mạnh hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện và kinh nghiệm thu hút các doanh nghiệp công nghệ và công nghệ cao, TTC có cơ sở vững vàng để tự tin vào khả năng thực hiện kế hoạch này.
Tân Thuận dành các lô đất đẹp nhất của khu để phát triển giai đoạn mới. Ảnh: TTC.
Sau 3 thập kỷ, Nhà Bè ngày xưa nay là Quận 7 và TP. Hồ Chí Minh đã có sự chuyển mình, TTC đã đóng góp một phần nhỏ trong sự phát triển này của địa phương. Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tạo sự đột phá trong hoạt động thu hút đầu tư, mời gọi được nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước có quy mô lớn, có công nghệ tiên tiến vào các ngành mũi nhọn theo chủ trương của thành phố, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.
Theo Báo Mới.
Theo Báo Mới.