Tăng lượng hàng bình ổn, kích cầu tiêu dùng

Tăng lượng hàng bình ổn, kích cầu tiêu dùng

Nhiều mặt hàng thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn thời điểm cuối năm 2023 từ 5%-10%, trong khi sức mua ì ạch. Để từng bước vực dậy sức mua, các hệ thống bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) đã bắt tay chặt hơn với nhà cung ứng, liên tục chạy chương trình ưu đãi, mở ra cơ hội mua hàng giá tốt cho người tiêu dùng.

Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: QUANG PHÚC

Chiết khấu nhiều, thường xuyên

Cuối tuần qua, dòng người tấp nập đổ về một số siêu thị, trung tâm mua sắm trên địa bàn TPHCM để “săn” hàng khuyến mãi và tránh nóng. Chị Nguyễn Thúy Lan (ngụ đường Lê Quang Định, quận Gò Vấp, TPHCM) đẩy xe đưa con nhỏ 9 tháng tuổi đi mua sắm vào một buổi tối cuối tuần tại siêu thị Emart, chia sẻ: “Nắng nóng khiến bé quấy khóc. Tôi tranh thủ vừa sắm chút đồ dùng cho gia đình vừa dẫn bé đi giải nhiệt. Nhiều mặt hàng giá tốt, tập trung vào nhóm hàng thực phẩm, thời trang, mỹ phẩm…”. Không riêng chị Lan, đây cũng là tâm sự của nhiều khách hàng khi đi mua sắm vào thời điểm nắng nóng này.

Riêng nhóm khách văn phòng bận rộn, không có thời gian mua sắm trực tiếp, thì kênh online cũng là lựa chọn tối ưu. Chị Mai Thị Ánh, ngụ tại huyện Bình Chánh (TPHCM), cho hay, chị thường xuyên đặt giao thực phẩm tại nhà. “Công việc đi sớm về trễ nên tôi thường đặt thực phẩm tại siêu thị gần nhà. Thỉnh thoảng hàng giao chậm hoặc bị ảnh hưởng chất lượng đều được hỗ trợ thỏa đáng ”, chị Ánh cho biết.

Thông tin từ Saigon Co.op, 800 điểm bán của hệ thống trên cả nước đang triển khai lễ hội mùa hè, như “Lễ hội giặt xả”, “Lễ hội thịt gia cầm”, “Ngày hội hoa anh đào”…, với mức giảm giá trực tiếp 50% đối với các mặt hàng, tặng hơn 3.500 sổ tay ưu đãi giúp khách hàng mua sắm tiết kiệm cả năm, đổi hóa đơn nhận quà, các mini game nhận phần thưởng. Với “Lễ hội thịt gia cầm”, các sản phẩm của San Hà ưu đãi giảm giá 15%-35% vào các ngày cuối tuần, từ ngày 12-4 đến ngày 14-4 tại Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food và Finelife khu vực TPHCM…

Bên cạnh đó, hệ thống Satra Foods áp dụng chương trình “Mua hàng thả ga, không lo về giá” với các sản phẩm đông lạnh như há cảo tôm, xíu mại; trái cây tươi; mỹ phẩm… Một số siêu thị như MM Mega Market, BigC, GO!… cũng triển khai đều đặn các chương trình giá tốt để kích cầu sức mua. Những hệ thống này cam kết thường xuyên làm việc với các nhà cung ứng để có chính sách giá ưu đãi nhất cho khách hàng…

Ghi nhận tại một số chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM như chợ Hòa Hưng (quận 10), Gò Vấp (quận Gò Vấp), Xóm Chiếu (quận 4)…, sức mua đã sụt giảm 30%-70% so với thời điểm trước dịch Covid-19, nhưng một số mặt hàng đã tăng giá 5%-10% so với cuối năm 2023. Ví dụ, dưa leo có giá 25.000-35.000 đồng/kg; tôm bạc 240.000-265.000 đồng/kg; trứng gà loại lớn 43.000-45.000 đồng/chục; thịt heo 110.000-185.000 đồng/kg… Để giữ chân khách, một số tiểu thương chủ động giảm giá bán 5%-10% tùy mặt hàng, đồng thời tặng khách vài cọng ngò, củ hành, trái ớt…

Chị Năm, tiểu thương chợ Hòa Hưng, chia sẻ, lợi nhuận khá thấp nên tiểu thương chỉ khuyến mãi trong khả năng, nhưng khách mua hàng cảm thấy rất vui và ủng hộ.

Kết nối liên vùng, đa dạng nguồn cung

Thời gian qua, ngành công thương TPHCM liên tục kết nối, triển khai các chương trình liên vùng với các tỉnh, thành phố trên cả nước (khu vực Tây Nguyên, ĐBSCL...). Trong đó tập trung vào việc giám sát chặt hàng hóa tại nguồn trồng, đưa hàng chất lượng, giá tốt đến tận “bàn ăn” của khoảng 13 triệu người dân sinh sống trên địa bàn TPHCM.

Theo bà Cao Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, việc ngành công thương TPHCM đi sâu vào các vùng nguyên liệu cũng như gặp gỡ trực tiếp doanh nghiệp cung ứng của tỉnh cho thấy sự nỗ lực mang lại nguồn thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng TPHCM. Điều này cũng mở ra cơ hội cung ứng hàng hóa ổn định, hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá” của các doanh nghiệp Lâm Đồng. Chung quan điểm này, ông Bùi Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Thái Thịnh (tỉnh Lâm Đồng), cho hay, đơn vị đang cung ứng khoảng 300 tấn rau củ quả mỗi tháng cho một số siêu thị trên địa bàn TPHCM; và đơn vị thường xuyên cùng siêu thị “chạy” khuyến mãi, trợ giá cho người mua.

Mới đây, Sở Công thương TPHCM đã công bố chương trình bình ổn thị trường năm 2024 và Tết Ất Tỵ 2025, với 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia (tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2023). Theo đó, lượng hàng bình ổn thị trường tăng 4%-6% so với cùng kỳ và chiếm 21%-32% thị phần trong tháng bình thường; chiếm khoảng 24%-41% nhu cầu thị trường trong tháng tết. Lượng hàng bình ổn đủ sức dẫn dắt, điều tiết thị trường.

Chương trình đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu, sẵn sàng ứng phó những tình huống cấp bách (thiên tai, dịch bệnh…). Thời gian thực hiện chương trình từ ngày 1-4-2024 đến hết ngày 31-3-2025. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, hàng loạt chương trình khuyến mãi tập trung, mùa mua sắm (gồm “Tưng bừng mua sắm hè”, “Rộn ràng mua sắm mùa xuân”…) hứa hẹn sẽ giúp sức mua tăng.

Theo Sở Công thương TPHCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa 3 tháng đầu năm nay đạt gần 179.000 tỷ đồng, tăng 9,38% so với cùng kỳ 2023. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, mặc dù tổng mức tiêu dùng của người dân trên địa bàn TPHCM có tăng, nhưng trị giá hàng hóa tiêu dùng lại giảm. Điều này cho thấy người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu, chỉ quan tâm đến nhóm hàng hóa thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày. Ở góc độ ngành công thương, sở đã tăng cường kết nối với các siêu thị, quận, huyện, chợ truyền thống… để đưa ra những chương trình giảm giá thực chất nhằm hỗ trợ người mua.


Nguồn: Thi Hồng – Sài Gòn Giải phóng Online