Thương mại điện tử - động lực gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu

Thương mại điện tử - động lực gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu

                (TBTCO) - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã trở thành động lực cho thương mại điện tử của thế giới cũng như Việt Nam ngày càng phát triển, đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành phương tiện hữu hiệu để doanh nghiệp giao thương, gia tăng xuất nhập khẩu hàng hóa trong bối cảnh hậu Covid-19.

                18% doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để xuất nhập khẩu

                Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, phần lớn doanh nghiệp đánh giá việc sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) phục vụ mục đích xuất nhập khẩu là tương đối hiệu quả. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế năm 2021, ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,2%, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 20,8%, ngành vận tải kho bãi giảm 5%.

                “Trước khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực TMĐT tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh và ổn định. Ước tính năm 2021, lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong năm 2022 nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và những động lực tăng trưởng mới” - ông Dũng nói.

                Hiện 18% doanh nghiệp có sử dụng website/ứng dụng thương mại điện tử để phục vụ cho mục đích xuất nhập khẩu.

                Báo cáo khảo sát của VECOM cũng đưa ra đánh giá lạc quan về sự phát triển của TMĐT đối với hoạt động xuất nhập khẩu như: Hiện 18% doanh nghiệp có sử dụng website/ứng dụng TMĐT để phục vụ cho mục đích xuất nhập khẩu. Đặc biệt, về giao dịch TMĐT doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), các kênh như mạng xã hội, sàn TMĐT hay website của doanh nghiệp đang dần trở thành kênh chính để nhận đơn đặt hàng từ các khách hàng. Trong đó, thông qua các nền tảng di động, khảo sát năm 2021 cho thấy, có tới 88% doanh nghiệp nhận đơn đặt sản phẩm qua ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động.

                Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết, TMĐT thực sự là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh trong quá trình thực hiện Hiệp định UKVFTA trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động giao thương trực tiếp bị đứt gãy.

                “Hiệp định UKVFTA mới thực thi trong giai đoạn ngắn, nhưng đã ghi nhận những tín hiệu tích cực nhờ phát triển hiệu quả giao thương từ các sàn giao dịch TMĐT. Nhờ đó thương mại song phương Việt Nam - Anh Quốc đạt hơn 6 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 bên đều tăng ở 2 con số, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng 16,4%, ngược lại xuất khẩu của Anh sang Việt Nam tăng 23,6% so với thời gian trước khi có hiệp định” - ông Thái nói.

                Thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng thương mại điện tử

                Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, TMĐT qua biên giới là một xu thế tất yếu. Do đó, để tăng cường quảng bá sản phẩm của Việt Nam, ngành công thương đã và đang có sự hợp tác với các sàn giao dịch quốc tế nhằm thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng TMĐT.

                Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, cũng cho biết, đơn vị và Alibaba.com đã ký biên bản ghi nhớ vào tháng 3/2021 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại.

                Thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 39 tỷ USD vào năm 2025

                Theo báo cáo toàn cảnh kinh doanh sàn thương mại điện tử (TMĐT) nửa đầu năm 2022 của Metric.vn, trong bối cảnh TMĐT Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19 đang trên đà phát triển vượt bậc, thì Việt Nam đang trở thành thị trường TMĐT lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng - đời sống là những sản phẩm được quan tâm, mua sắm nhiều nhất trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.

                Với mức tăng trưởng hiện nay, hãng Statista cũng đưa ra nhận định quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ và có thể cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025.
                Trong hai năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, đầu tư và kinh doanh trên toàn thế giới, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế. Hoạt động xúc tiến thương mại cũng gặp nhiều khó khăn, không thể thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống là cần trao đổi trực tiếp giữa nhà cung cấp, nhà phân phối, người mua, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu. Trong bối cảnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số đã được Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các nền tảng TMĐT, trong đó hoạt động đào tạo phối hợp với Alibaba.com đã được các đối tác và doanh nghiệp vừa và nhỏ đón nhận và đánh giá cao.

                “Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Alibaba.com triển khai xây dựng và vận hành “Gian Hàng Quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion” trên sàn TMĐT Alibaba.com, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ hoạt động kết nối kinh doanh, tăng cường hiểu biết về sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam cho khách hàng quốc tế” - ông Phú cho biết thêm.

                Ủng hộ phương thức xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng TMĐT, bà Nguyễn Xuân Hải Yến - Phó Giám đốc Proline Việt Nam cho biết, xuất khẩu là con đường bắt buộc trong định hướng phát triển, chúng tôi chọn xuất khẩu trực tuyến bởi đó là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, chi phí tối ưu nhất để một doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận khách hàng. Ưu điểm nói chung của TMĐT chính là việc có thể tiếp cận được với khách hàng trên toàn thế giới chỉ bằng những cú nhấp chuột, không phân biệt thời gian, địa điểm và có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí marketing, lưu kho, công tác, chi phí tiếp cận khách hàng…

                Nguồn https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thuong-mai-dien-tu-dong-luc-gia-tang-hoat-dong-xuat-nhap-khau-105355-105355.html