Tìm đơn hàng xuất khẩu cho giày dép, dệt may, đồ gỗ

Tìm đơn hàng xuất khẩu cho giày dép, dệt may, đồ gỗ

Nhiều ngành hàng vẫn gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, trong đó, dệt may, da giày, gỗ cần được Thương vụ hỗ trợ để kết nối đơn hàng.


Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tăng hỗ trợ các ngành dệt may, giày dép, đồ gỗ tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu.

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023, nhiều thông tin về nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tại các thị trường đã được đại diện Thương vụ Việt Nam lưu ý tới các doanh nghiệp thuộc các ngành đồ gỗ, dệt may và da giày.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy thương mại, xuất khẩu, đặc biệt một số nhóm ngành công nghiệp chế biến - chế tạo chủ lực như: dệt may, da giày, đồ gỗ… trước đây luôn duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định.

Nhưng từ cuối năm 2022 đến nay, ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu, các ngành xuất khẩu này đã bị sụt giảm mạnh về đơn hàng, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm sút, lên tới vài tỷ USD so với cùng kỳ.

Số liệu của Tổng cục Thống kê, 7 tháng 2023, xuất khẩu dệt may đạt gần 19 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ, đồ gỗ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 26,2%, giày dép gần 11,7 tỷ USD, giảm 17,1%.

Về tổng quan thương mại, 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước mới đạt đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức giảm hơn 23 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nêu:, "tình hình trong nước và quốc tế vẫn khó khăn, nhưng dự báo từ nay đến cuối năm, nhu cầu nhập hàng hóa tại các thị trường sẽ dần hồi phục, đại diện Thương vụ tại các thị trường tăng cường kết nối đơn hàng, xúc tiến thương mại hiệu quả cho các ngành tăng tốc xuất khẩu".

"Các cơ quan thương vụ cần thông tin cập nhật về thị trường xuất nhập khẩu, các khuyến nghị đối với doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến phát triển thị trường, tiếp thu các ý kiến của Hiệp hội, địa phương để có kế hoạch hỗ trợ công tác thị trường thiết thực hơn, sát với nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU lưu ý: "Nhu cầu tiêu dùng tại EU giảm, nhưng các tiêu chuẩn tại EU lại được nâng lên, buộc các nhà sản xuất phải đáp ứng. EU đã và đang chuẩn bị ban hành nhiều quy định liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, phát thải carbon, quyền sửa chữa và tái chế, nhân quyền, đạo luật chống phá rừng … ".

Chẳng hạn, với ngành dệt may, EU đã đề ra chiến lược cho ngành dệt may bằng cách sẽ đưa ra các biện pháp pháp lý mới để tăng tính tuần hoàn trong hàng dệt may. EU cũng đang xem xét việc giới thiệu EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) trên toàn EU đối với hàng may mặc...

Cần phải nói thêm, khu vực thị trường EU đang là điểm đến xuất khẩu cực lớn của ngành da giày nước ta. Năm 2022, xuất khẩu giày dép các loại sang EU đạt 5,8 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 24,5% xuất khẩu giày dép

Tuy nhiên, theo ông Quân, các doanh nghiệp Việt đang có lợi thế nhất định nhờ vào Hiệp định EVFTA.. “Thương vụ Việt Nam sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia các hội chợ triển lãm, tìm kiếm cơ hội kết nối giao thương, mở rộng cơ hội xuất khẩu tại EU”.

Năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá hơn 46 tỷ USD sang thị trường 27 nước EU, tăng 15% so với năm 2021.

Còn 7 tháng 2023, xuất khẩu sang EU đạt 25 tỷ USD, giảm 9,9%. Các ngành hàng đang chờ đợi sự hồi phục mạnh mẽ hơn của nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tại EU để thúc đẩy xuất khẩu.

Với Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng Việt, trong đó có 3 ngành hàng kể trên ông Đỗ Mạnh Quyền, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Mỹ cho rằng, doanh nghiệp cần đầu tư cho sản xuất nhiều hơn để có quy trình sản xuất xanh, sạch, giảm phát thải để theo kịp yêu cầu ngày càng cao từ các nhà mua hàng. 

Nguồn Báo đầu tư