Tín hiệu sản xuất tích cực trong bức tranh kinh tế TPHCM

Tín hiệu sản xuất tích cực

trong bức tranh kinh tế TPHCM

(KTSG Online) – Kinh tế TPHCM đã có những dấu hiệu tích cực trong những tháng qua, đáng chú ý là sản xuất công nghiệp đang cho thấy khởi sắc, nhất là một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao hơn mức tăng trưởng chung của ngành kinh tế này.

Dù đối diện với những khó khăn, thách thức do tác động của tình hình thế giới, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, TPHCM đã ngăn chặn đà suy thoái, giữ được đà tăng trưởng kinh tế quí sau cao hơn quí trước.

Mặc dù vậy, những dấu hiệu này vẫn chưa đủ sức vực dậy tăng trưởng kinh tế thành phố để đạt được mục tiêu đề ra của năm 2023.


Chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố bắt đầu tăng trưởng dương và tăng dần qua các tháng bắt đầu từ tháng 4, cho thấy xu hướng phục hồi của nền kinh tế. Trong ảnh là sản xuất của một doanh nghiệp công nghệ đến từ châu Âu tại TPHCM. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Công nghiệp trọng điểm tăng trưởng ở mức khá

Sau quí đầu tiên bị sụt giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố trong 2 quí liên tiếp sau đó đã cải thiện đáng kể và trở về với mức tăng trưởng dương.

Nhờ đó, kết quả chung 9 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố theo ước tính mới nhất của Sở Công Thương TPHCM là tăng 3,2% so cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ tăng 19,6%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố bắt đầu tăng trưởng dương và tăng dần qua các tháng bắt đầu từ tháng 4, cho thấy xu hướng phục hồi của nền kinh tế.

Đáng chú ý, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố (ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống; ngành cơ khí; ngành sản xuất hàng điện tử; và ngành hóa dược – cao su – nhựa) ước tăng 5,8%, cao hơn 2,6 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

Cụ thể như ngành cơ khí theo ước tính của cơ quan công thương là tăng 7%. Hay ngành sản xuất hàng điện tử ước tăng 5,4%, và đây là một tín hiệu tích cực về sự phục hồi của sản xuất cũng như xuất khẩu sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện trong năm 2023 đều tăng bắt đầu từ tháng 5 năm 2023 (sau 4 tháng đầu năm liên tục giảm). Điều này dự báo một năm tăng trưởng và đóng góp tích cực của ngành này vào sự phục hồi của ngành công nghiệp thành phố.

Đáng chú ý là ngành hóa dược – cao su – nhựa ước tăng đến 17,7%. Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam, nhu cầu tăng cao trong ngành công nghiệp xây dựng được dự đoán sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường ngành nhựa.
Ngành nhựa là đầu vào của nhiều ngành sản xuất như bao bì và nhựa xây dựng, do đó ngành nhựa vẫn có đơn hàng, doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất. Chỉ số tiêu thụ sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa tăng cao (cụ thể: 1 tháng tăng 44,6%; 2 tháng tăng 66,9%;3 tháng tăng 62,3%; 4 tháng tăng 67,7%; 5 tháng tăng 65%; 6 tháng tăng 70,9%; 7 tháng tăng 70,1%; 8 tháng tăng 68,5%; 9 tháng ước tăng 68,7%).
Nhìn chung, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng, tác động không nhỏ đến hoạt động ngành công nghiệp.

Sản xuất công nghiệp suy giảm trong 3 tháng đầu năm nay khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm, đơn giá giảm, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng, tiêu thụ sản phẩm và bắt đầu có sự tăng trưởng trở lại vào tháng 4 năm 2023 (tuy mức tăng chưa cao).

Bán lẻ và dịch vụ có tiến triển khả quan

Cùng với sản xuất công nghiệp tăng thì hoạt động bán lẻ cũng tăng theo với tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng đầu năm nay ước đạt 514.523 tỉ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 25,9%).

Nhìn chung theo đánh giá của Sở Công Thương, tình hình thị trường trên địa bàn thành phố khá sôi động, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã chủ động dự trữ, bổ sung hàng hóa, đa dạng chủng loại để đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Hệ thống phân phối trên địa bàn TPHCM có 233 chợ, 3 chợ đầu mối, 267 siêu thị, 48 trung tâm thương mại và 3.321 cửa hàng tiện lợi; các hệ thống phân phối vẫn duy trì, đảm bảo khả năng cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn.
Nhìn chung, những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã tác động tới bức tranh chung của thị trường bán lẻ trong nước. Khi thương mại điện tử, nhất là các chuỗi siêu thị lớn đang phát triển ngày càng mạnh, hàng hóa đa dạng và giá cả ngày càng tốt, là điểm đến tin tưởng của các nhãn hàng khi thực hiện các chương trình khuyến mãi.

Theo khảo sát của Nielsen, 72% người được khảo sát mua sắm thường xuyên hơn ở những cửa hàng có nhiều khuyến mại hoặc mua online để nhận nhiều ưu đãi.


Bán lẻ và dịch vụ 9 tháng của thành phố cũng tăng khá. Ảnh minh họa: L. Hoàng

Thành phố đã triển khai chương trình kích cầu tiêu dùng như Chương trình khuyến mại tập trung mùa mua sắm “Shopping Season” 2023 trong hai đợt (từ ngày 15-6 đến ngày 15-9-2023 và từ ngày 15-11 đến ngày 15-12-2023) nhằm tăng cường kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức kết nối cung cầu trong nước trên môi trường trực tuyến và những nền tảng mới nhằm tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, siêu thị tổ chức nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn nhân dịp Lễ 30-4 và Lễ 2-9 nhằm kích cầu tiêu dùng, mua sắm để người tiêu dùng cũng có cơ hội tiếp cận và mua được những sản phẩm Việt chất lượng tốt, vừa túi tiền, tạo động lực để thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nước.

Còn theo số liệu của cơ quan thống kê TPHCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 871.000 tỉ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng hàng hóa giữ đà tăng trưởng qua các quí.

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn còn sụt giảm nhiều. Cụ thể tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước 9 tháng ước đạt 31,53 tỉ đô la Mỹ, giảm 14,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 13,8%).

Tương tự, cùng thời gian trên, tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 40,23 tỉ đô la, giảm 17,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,3%).

Nhìn chung các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như thuế, lãi suất ngân hàng và các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cùng các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến được triển khai đã góp phần duy trì tăng trưởng lĩnh vực sản xuất, thương mại của thành phố.

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng

Nhìn chung dù đối diện với những khó khăn, thách thức do tác động của tình hình thế giới, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, TPHCM đã ngăn chặn đà suy thoái, giữ được đà tăng trưởng kinh tế quí sau cao hơn quí trước.

Theo nhận định của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, từ tháng 4 đến nay, một số động lực tăng trưởng kinh tế thành phố đã có dấu hiệu khởi sắc và tiếp tục giữ được đà phục hồi.


Sản xuất của một doanh nghiệp cơ khí TPHCM. Ảnh minh họa: L. Hoàng

Cơ quan này cho rằng chỉ số sản xuất công nghiệp của TPHCM tăng nhẹ, phù hợp với mức cải thiện hàng tháng. Ngành du lịch duy trì mức tăng khá ổn định, sẽ có tác động lan tỏa lớn tới nhiều ngành dịch vụ thị trường như vận tải, lưu trú ăn uống, lữ hành, hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí…

Tổng doanh thu du lịch ước tính đạt gần 125.300 tỉ đồng, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, tiêu dùng hàng hóa giữ đà tăng trưởng qua các quí và khởi sắc hơn trong 8 tháng, kỳ vọng các tháng cuối năm sẽ tiếp tục giữ đà, do tác động từ việc tăng lương cơ sở.

Thị trường tiền tệ cũng có dấu hiệu tích cực. Với lãi suất cho vay hợp lý, lãi suất cho vay thấp, hạn mức tín dụng tăng đã và đang kích thích doanh nghiệp vay vốn, mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó kích thích tăng trưởng tín dụng.

Từ đó, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đặt ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế TPHCM năm 2023 là 6,08%, 6,47% và 7,46%. Tuy nhiên, với bối cảnh kinh tế toàn cầu và cả nước như hiện nay, nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế thành phố sẽ rơi vào kịch bản 6,08%.

Đáng chú ý, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế là đầu tư công, ước tính giải ngân đạt hơn 22.500 tỉ đồng, đạt 33% so với kế hoạch vốn thành phố giao, và ước đạt 32% so với kế hoạch vốn Thủ Tướng Chính phủ giao. Dù tỉ lệ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt mục tiêu thành phố đặt ra nhưng thành phố đã nỗ lực giải ngân tăng 100,4% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư nước ngoài đang có chiều hướng tăng. Và đây cũng là một trong những động lực trong việc thúc đẩy tăng trưởng thành phố.

Trong phần dự báo tăng trưởng cả năm 2023, cơ quan này nhận định, từ tháng 4, một số động lực tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, mặc dù kinh tế thành phố đã có những tín hiệu tích cực của các trụ cột tăng trưởng, nhưng những tín hiệu này chưa đủ sức vực dậy tăng trưởng kinh tế thành phố đạt được mục tiêu như kế hoạch đề ra.

Nhu cầu tiêu dùng tại TPHCM đang trên đà phục hồi nhưng vẫn chưa bằng mức trước dịch Covid-19, chưa tạo được động lực sản xuất, đầu tư và tiêu dùng. Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục khó khăn do nhu cầu nhập khẩu của thế giới giảm mạnh ở phần lớn mặt hàng chủ lực của thành phố. Tốc độ giải ngân đầu tư công của TPHCM còn khá chậm.

Dựa trên các dữ liệu, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế thành phố trong năm 2023 là 6,08%, 6,47% và 7,46%. Tuy nhiên, với bối cảnh kinh tế toàn cầu và cả nước như hiện nay, nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế thành phố sẽ rơi vào kịch bản 6,08%.

Cơ quan này cho rằng, tăng trưởng kinh tế của thành phố sẽ phụ thuộc vào diễn biến toàn cầu, sự nỗ lực và hiệu quả thực thi công vụ, nhưng kịch bản đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 7,5% như kế hoạch ban đầu là cả một thách thức lớn.

Để khai thác tối đa những động lực, khắc phục khó khăn, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đề xuất thành phố cần có quyết sách mang tính đột phá từ cấp lãnh đạo để thúc đẩy bộ máy hành chính vận hành thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và lập quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Gắn thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 với quy hoạch chung TPHCM và quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội thời kỳ 2021-2030.

Thành phố cũng cần quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất; kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực đầu tư công.

Bên cạnh đó, tiếp tục kích cầu tiêu dùng nội địa; liên kết giữa kích cầu thương mại và kích cầu du lịch, liên kết giữa các ngành để tạo sức mạnh bền vững; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm phục hồi niềm tin của doanh nghiệp.

Ngoài ra, thành phố cần xây dựng lộ trình phát triển kinh tế xanh – chuyển đổi xanh, kinh tế số trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Nguồn Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online