TP Hồ Chí Minh sẽ có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp làm chuyển đổi số

TP Hồ Chí Minh sẽ có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp làm chuyển đổi số

VTV.vn - Trong năm 2021, kinh tế số chiếm 14,41% trong cơ cấu GRDP của TP Hồ Chí Minh. Tỷ trọng đóng góp này đến năm 2025 tăng lên 25%.

Chiều 15/4, trong khuôn khổ "Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2022" đang được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, UBND thành phố tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp chuyên gia ngành công nghệ thông tin - truyền thông để lắng nghe các chia sẻ và sáng kiến của cộng đồng chuyên gia, doanh nghiệp trong thúc đẩy kinh tế số tại TP Hồ Chí Minh. Cộng đồng gần 100 doanh nghiệp, các chuyên gia, hiệp hội đã tham dự hội nghị.

Từ kết quả lần đầu tiên đo lường được chỉ số đóng góp của kinh tế số trong tỷ trọng phát triển kinh tế, TP Hồ Chí Minh đề xuất mục tiêu phát triển kinh tế số cao hơn cả nước. Theo đó, đến năm 2025, kinh tế số đóng góp 25% và đến năm 2030 đóng góp 40%, trong khi mục tiêu tương ứng của cả nước là 20% và 30%.

Kinh tế số còn giúp tăng năng suất lao động, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng tái cấu trúc nền kinh tế và trước mắt giúp phục hồi nhanh về tăng trưởng. Thành công về chuyển đổi số và kinh tế số tại TP Hồ Chí Minh sẽ góp phần quan trọng vào thành công trên cả nước, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế đầu tàu của Thành phố về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ ở tầm quốc gia và khu vực.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Bình An, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh nhận định kinh tế số là phạm trù mới mẻ đầy tiềm năng phát triển. Việc áp dụng nhiều phương pháp thống kê để xác định được đóng góp của kinh tế số trong nền kinh tế nói chung và nhằm tìm ra giải pháp thúc đẩy kinh tế số. Báo cáo của Viện nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh xác định trong năm 2021, kinh tế số TP Hồ Chí Minh đạt 8,27 tỷ USD, tương đương 14.41% GRDP.

Nhận định vai trò nhân lực trong việc phát triển kinh tế số, Giáo sư Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh cho biết, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh hiện cung cấp đội ngũ kỹ sư công nghệ hơn 4000 người mỗi năm, đào tạo 1/10 nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho thành phố. ĐHQG hiện có chương trình ươm mầm nhân lực, đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp có thêm học bổng, chung tay xây dựng môi trường đào tạo nhân lực kỹ sư CNTT chất lượng cao, những trung tâm đổi mới sáng tạo đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số.
 
TP Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu cơ chế đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp tham gia làm chuyển đổi số

Nhấn mạnh vào xây dựng dữ liệu và các công cụ chuyển đổi số, ông Ngô Diên Hy TGĐ Tập đoàn VNPT cho rằng TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện hệ thống một cửa, đây được xem là một cuộc cách mạng trong hành chính công tại TP Hồ Chí Minh, xây dựng được hệ thống lưu trữ và thống nhất với dữ liệu trên cổng thông tin điện tử quốc gia. Ông Hy cũng cho rằng để xây dựng được kho dữ liệu dùng chung thì phải có cấu trúc, phát triển đội ngũ, kết hợp công tư trong hợp tác xây dựng dữ liệu chung.

Đại diện của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các doanh nghiệp sản xuất thương mại thừa hưởng thành quả chuyển đổi số cũng chia sẻ với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh những thuận lợi vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số, trong đó tập trung vào đề xuất TP Hồ Chí Minh cần có chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số,  các chương trình quản lý doanh nghiệp, phần mềm bán hàng, quản lý, hóa đơn tài chính điện tử, chứng từ số. Mong muốn các ngân hàng có chính sách ưu tiên, hỗ trợ tham gia quá trình chuyển đổi số,… 

Tại hội nghị, Sở Thông tin Truyền thông, Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, Hội tin học TP Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác thống nhất: Tổ chức triển khai chuyển đổi số trong doanh nghiệp, thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh giao; Phối hợp kết nối đào tạo, tham gia phản biện trong quá trình xây dựng chuyển đổi số.

Tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nêu quyết tâm hoàn thành chương trình chuyển đổi số của thành phố trong năm 2022, đồng thời mời gọi, đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội, ban ngành tham gia vào 5 nhiệm vụ phát triển kinh tế số của thành phố. Ông nhấn mạnh "các sở ngành, hiệp hội, doanh nghiệp cần nghiên cứu đề xuất cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trong quá trình chuyển đổi số, nếu có một phương án phù hợp, thành phố sẽ thông qua cơ chế đề xuất đó". Ông Mãi cũng khuyến khích, doanh nghiệp, chuyên gia trong điều kiện đóng góp nhiều nhất, hãy là đồng tác giả trong công cuộc chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh, tạo ra cuộc cách mạng đột phát, đưa TP Hồ Chí Minh lên đúng vị trí hàng đầu trong phát triển kinh tế số của cả nước.

Nguồn https://vtv.vn/kinh-te/tp-ho-chi-minh-se-co-co-che-ho-tro-doanh-nghiep-lam-chuyen-doi-so-20220415164928817.htm