Triển khai thành lập Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao tại TP.HCM
Triển khai thành lập Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao tại TP.HCM
Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ xây dựng và triển khai Đề án thành lập Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao để phục vụ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao,...
Ảnh minh hoạ
UBND TP.HCM vừa có báo cáo kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ “Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành cơ khí - tự động hóa giai đoạn 2020 - 2030”. Theo đó, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đều đã được triển khai thực hiện gồm 9 nhóm nhiệm vụ thường xuyên và 4 đề án.
Theo báo cáo, trong thời gian tới, TP.HCM sẽ xây dựng và triển khai Đề án thành lập Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao tại TPHCM để phục vụ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, đồng thời đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ngành cơ khí - tự động hóa.
Đối với lĩnh vực phát triển công nghiệp, Thành phố sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nhất là những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ; tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu.
Phát triển công nghiệp TP.HCM dựa trên 4 trụ cột chính, gồm phát triển công nghiệp công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; sản xuất thông minh; liên kết vùng. Ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao (điện tử, sản xuất chip bán dẫn, công nghiệp sinh học, sản xuất robot, thiết bị thông minh, hệ thống nano...), công nghệ số, công nghệ mới; sản xuất phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin…
Xây dựng mới các khu công nghiệp có chất lượng và tính cạnh tranh cao, phù hợp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng khu công viên khoa học và công nghệ, từng bước chuyển đổi các khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Tập trung phát triển hạ tầng công nghiệp theo định hướng phối hợp liên kết phát triển và phát huy vai trò, vị thế vùng TP.HCM; Cải tạo nâng cấp phát triển hạ tầng công nghiệp gắn với cải tạo chỉnh trang và chuyển đổi hình thái đô thị; Phát triển hạ tầng công nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang dịch vụ, phát triển đô thị bền vững và tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng liên kết vùng; đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong các khu công nghiệp và cải tạo nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu gắn với cải tạo chỉnh trang, chuyển đổi đô thị, với đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị: Cơ cấu lại tổng thể kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao. Quy hoạch, chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; lựa chọn các sản phẩm và công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Phát triển công nghiệp theo chiều sâu, ưu tiên các ngành và sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; Phát triển đô thị TP.HCM theo hướng đa trung tâm, kết nối vùng, đô thị xanh, đô thị thông minh.
Nguồn Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam