Việt Nam và triển vọng trở thành trung tâm công nghệ mới của khu vực

Việt Nam và triển vọng trở thành trung tâm công nghệ mới của khu vực

Lĩnh vực công nghệ đang giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và hướng tới trở thành trung tâm công nghệ mới của khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, ngày 3.9.2021. Ảnh: Hải Nguyễn

Tiềm năng trở thành trung tâm công nghệ

Chuyên trang về tài chính, công nghệ và marketing Raconteur có trụ sở tại London, Anh, mới đây có bài viết nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam từ lâu đã có chính sách thu hút các công ty công nghệ lớn trên thế giới, đặc biệt là trong giai đoạn hậu đại dịch.

Raconteur viết, kể từ năm 1986, khi Việt Nam thực hiện đổi mới, bắt đầu thu hút đáng kể đầu tư nước ngoài, thủ đô Hà Nội đã phát triển cùng với lĩnh vực công nghệ. Thành phố có những quận mới hơn, nơi những ngôi nhà và cơ sở kinh doanh cũ bị lu mờ bởi những tòa tháp bằng kính hiện đại... Ở đây, lĩnh vực công nghệ đang giúp đưa nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc vào nông nghiệp.

Ngoài ra, chính phủ còn thu hút các công ty công nghệ vào Việt Nam bằng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm. John Breen - cố vấn địa chính trị cho công ty tư vấn chiến lược Sibylline - cho biết, Việt Nam “có tiềm năng trở thành trung tâm công nghệ nếu xét đến các nỗ lực chiến lược của chính phủ nhằm thúc đẩy nền kinh tế số của đất nước, với mục tiêu đạt 52 tỉ USD vào năm 2025”.

“Năm 2020, nền kinh tế Internet của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm trước đó, mức cao nhất ở Đông Nam Á và có tiềm năng đạt 220 tỉ USD trong tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030” - Breen cho biết thêm. Theo Chương trình Chuyển đổi Kỹ thuật số Quốc gia, chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu hỗ trợ các ngành kinh tế chủ chốt, bao gồm tài chính và ngân hàng, sản xuất, năng lượng và chăm sóc sức khỏe.

Phát triển các công ty Việt Nam và thu hút đầu tư

Quận Cầu Giấy là một điển hình cho bộ mặt mới của Hà Nội, bắt đầu được phát triển vào năm 1996 với mục đích khuyến khích tăng trưởng công nghiệp. FPT - với tòa tháp mới khai trương, đặt tại Cầu Giấy - là một công ty công nghệ đã được hưởng lợi kể từ khi thành lập vào năm 1999. công ty này ra đời với tư cách là một doanh nghiệp gia công phần mềm, được nhà nước hỗ trợ và hiện cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho các ngành công nghiệp bao gồm hàng không, truyền thông, ôtô, chăm sóc sức khỏe, hậu cần và sản xuất.

Ông Tạ Trần Minh - Phó Giám đốc GAM FPT - bộ phận ôtô của công ty - rất lạc quan về tương lai, đặc biệt là khi các nhà sản xuất ôtô tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đang áp dụng các giải pháp phần mềm mới nhất của công ty. Ông Minh cho biết, Việt Nam “ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với ngành công nghệ” - điều mà ông cho là có được nhờ sự hỗ trợ của chính phủ đối với các công ty công nghệ trong nước và dân số trẻ có kỹ năng.

Trong khi đó, John Breen nhận định, Việt Nam cung cấp khả năng tiếp cận thị trường cho một nhóm dân số trẻ, có học thức, hiểu biết về công nghệ trên khắp Châu Á. Trong khi 88% người dân ở các nước ASEAN sử dụng điện thoại thông minh, thì có tới 70% không sử dụng ngân hàng số, điều này mang lại “cơ hội thị trường đáng kể” cho thanh toán và chuyển tiền trực tuyến.

Brad Gray, phó chủ tịch cấp cao của Exclusive Networks APAC, coi Việt Nam là “một quốc gia quan trọng trong khu vực” cho các mối quan hệ đối tác và phân phối. Ông lạc quan về việc Việt Nam là thị trường cho các giải pháp an ninh mạng của công ty có trụ sở tại Pháp, nhờ Chiến lược Khoa học, Công nghệ và Đổi mới 2021-2030 giúp phát triển các công ty công nghệ trong nước và quốc tế. “Sự phát triển mọi mặt về kỹ thuật số trong nước đã đang tăng lên theo cấp số nhân… Việt Nam đang phát triển thành một trung tâm công nghệ lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực khởi nghiệp trong những năm gần đây” - ông Brad Gay cho hay.

Ông Breen cũng nhắc lại vị thế vững chắc của Việt Nam, mô tả đất nước này là “một ứng cử viên sáng giá cho nhiều công ty đang cân nhắc chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng “Trung Quốc +1”, nhờ ứng phó đại dịch hiệu quả, vị thế địa chính trị trong khu vực và chi phí lao động tương đối thấp.

Theo ông Breen, ở cấp độ địa chính trị, Việt Nam đã tăng cường quan hệ song phương với các nền kinh tế lớn ở Đông Á, Châu Âu và Bắc Mỹ, do có chung mối quan tâm chiến lược, tạo ra các cơ hội kinh tế như hiệp định thương mại tự do và hiệp định bảo hộ đầu tư với Liên minh Châu Âu vào năm 2019.

Điều này đã thu hút những tên tuổi lớn đến Việt Nam, chẳng hạn như khoản đầu tư 750 triệu USD của LG Display (Hàn Quốc) vào Hải Phòng; Foxconn - nhà cung cấp của Apple  - đầu tư thêm 300 triệu USD vào miền bắc Việt Nam; Việt Nam lần đầu tiên sản xuất Apple Watch và Macbook; Samsung đầu tư 3,3 tỉ USD vào Việt Nam cho linh kiện bán dẫn trong bối cảnh chiến tranh chip Mỹ-Trung. Trang Sina Trung Quốc gọi Việt Nam là điểm dừng chân mới cho ngành công nghiệp bán dẫn, nhắc lại rằng Intel - một trong ba đại gia chip lớn của thế giới - đã đầu tư 1 tỉ USD để xây dựng nhà máy lắp và thử nghiệm chip tại Việt Nam từ nhiều năm trước. Cho đến nay, nhà máy này vẫn là cơ sở sản xuất quan trọng của Intel.

Theo giới chuyên gia, điểm cạnh tranh của Việt Nam là tính toàn cầu. Việt Nam đang nhìn nhận những mô hình hiệu quả trên thế giới rồi ứng dụng theo cách thức riêng của mình, từ đó tạo cơ sở thu hút nguồn đầu tư chất lượng cao.

Nguồn https://laodong.vn/xa-hoi/viet-nam-va-trien-vong-tro-thanh-trung-tam-cong-nghe-moi-cua-khu-vuc-1084314.ldo