Xanh hóa sản phẩm xuất khẩu
Xanh hóa sản phẩm xuất khẩu
Hiện doanh nghiệp đang bị khó khăn kép khi vừa thiếu đơn hàng vừa phát triển thiếu bền vững. Yêu cầu đặt ra, nếu không xanh hóa sản phẩm, nguy cơ doanh nghiệp tiếp tục mất đơn hàng xuất khẩu.
Ngành dệt may là một trong những ngành cần cải thiện để sản xuất xanh.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ, cách đây 2 tháng trong buổi họp với 20 hiệp hội ngành hàng lớn của Việt Nam, lãnh đạo Hiệp hội Dệt may cho biết, vẫn chưa có đơn hàng của quý III, quý IV. Có ý kiến cho rằng đó là do khó khăn chung kinh tế thế giới. Nhưng cũng có ý kiến vì sao tại Bangladesh, đơn hàng nhận không hết.
“Băn khoăn, tôi về tìm tài liệu và được biết Bangladesh làm tiêu chuẩn xanh rất chặt chẽ. Trong khi ngành dệt may, da giày của chúng ta chưa có nhà máy nào đạt tiêu chuẩn xanh” - bà Hạnh nói.
Ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng cho biết, ngành dệt may Bangladesh những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 làm không kịp đơn hàng vì kịp thời thích ứng xanh hóa sản phẩm. Trong khi nhiều DN Việt Nam chưa đáp ứng được điều này nên bị giảm đơn hàng xuất khẩu, buộc cắt giảm lao động. Theo ông Thành, “xanh” và “số” là 2 vấn đề quan trọng mà DN buộc phải thực hiện nhằm thích ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.
Không riêng ngành dệt may, ông Nguyễn Huy (Tập đoàn Intertek) cho biết, có DN thủy sản xin dừng đăng ký đánh giá các tiêu chuẩn vì từ Tết đến nay không nhận được đơn hàng. DN buộc phải dừng sản xuất. Thực tế kho lạnh của các DN hàng thủy sản hàng hóa chất đầy đến nỗi không thể sản xuất tiếp.
Còn theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có nhiều lợi thế khi Việt Nam ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại với các nước. Thế nhưng, DN chưa tận dụng tốt cơ hội này. Hiểu biết về sản xuất xanh, sản xuất bền vững, tiêu dùng xanh và các quy định khác đối với hàng xuất khẩu cũng rất giới hạn.
Theo đại diện Tập đoàn Intertek, muốn phát triển bền vững, trước tiên DN phải tồn tại, nhưng khó khăn là trong giai đoạn này hàng loạt DN ở Việt Nam rơi vào cảnh phải tìm kiếm từng đơn hàng, thậm chí phá sản. Với các quốc gia phát triển, các nhãn hàng cam kết tại COP26 đến năm 2030 đạt giảm phát thải nhà kính 50%, đến năm 2050 là bằng 0. Khi các nhãn hàng hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững, DN Việt Nam bây giờ mới xây dựng chương trình về môi trường. Điển hình như Ấn Độ làm phát triển bền vững từ năm 2015. Bangladesh khởi động phát triển bền vững từ năm 2018, đến nay Bangladesh có hơn 30% DN dệt may, các công ty gia công đạt được chứng nhận nhà xưởng xanh. Ngoài ra còn ghi nhận hơn 50% có các chứng nhận liên quan đến hệ thống xanh bền vững và thẩm định khí thải nhà kính.
Trong khi đó, ở Việt Nam riêng thẩm định khí thải nhà kính vẫn đang nằm trên giấy. DN phải chờ cơ chế, chính sách, nhưng đơn hàng thì không thể chờ.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, hiện nay các chuỗi cung ứng toàn cầu đang điều chỉnh, sắp xếp lại, nhiều quốc gia tăng cường chính sách bảo hộ với nhiều quy định khắt khe về chất lượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt thì chất lượng và giá cả sản phẩm cũng chưa đủ. Nhiều nhà nhập khẩu yêu cầu về môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên, thân thiện môi trường, an toàn lao động. Đây chính là lý do tại sao DN phải chuyển đổi công nghệ theo hướng phát triển xanh, phát triển bền vững.
Nguồn Tác giả Thanh Giang - Báo mới