Xuất khẩu phục hồi, Sở Công Thương TP.HCM hỗ trợ xúc tiến thương mại trên ‘sân nhà’

Xuất khẩu phục hồi, Sở Công Thương TP.HCM

hỗ trợ xúc tiến thương mại trên ‘sân nhà’

Theo Sở Công thương TP.HCM, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết ngành hàng tăng trong giai đoạn đầu năm 2024 là chỉ dấu cho sự phục hồi của kinh tế thành phố.

 Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Đăng Kiệt

Tại buổi Họp báo cung cấp thông tin trọng tâm của ngành công thương TP.HCM quý I/2024, ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương TP.HCM cho biết, hầu hết các ngành đều tăng nhất là các ngành hàng chủ lực như dệt may, đồ gỗ, lương thực thực phẩm. TP.HCM địa phương duy nhất trên cả nước có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vượt mốc 10 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm.

Đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết kim ngạch xuất khẩu qua cảng thành phố đạt 12,5 tỷ USD (tăng 69,2%). 

Trong đó dệt may 1,2 tỷ USD (tăng 40,3%); máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng 912,8 triệu USD (tăng 40,6%); giày dép 501,1 triệu USD (tăng 8,6%); phương tiện vận tải khác 241,4 triệu USD (tăng 47,1%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 175,6 triệu USD (tăng 80,3%)…cùng một số ngành hàng khác.

Tuy nhiên ông Hiếu cũng nhận định dù con số tăng cao nhưng bản chất chỉ là khôi phục trạng thái thời điểm trước dịch, trước các xung đột chính trị, chiến sự thế giới như hiện nay chứ chưa có sự đột phá mạnh so với các năm trước.

Là ngành có sự hồi phục ấn tượng nhất thời gian qua, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM (Agtek) cho biết trong 4 tháng ngành dệt may hồi phục và tăng trưởng khả quan nhờ các thị trường truyền thống như Mỹ, EU sức mua tăng lên.

"Các thị trường cần mua hàng trong khi các doanh nghiệp đã xả gần hết lượng tồn kho đến dưới mức tối thiếu nên đang tăng sản xuất nhằm đáp ứng đơn hàng mới để cung ứng", đại diện Agtek thông tin.

Tương tự, ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cho biết so với năm 2023, những tháng đầu năm 2024 tình hình đơn hàng ngành gỗ TP.HCM khả quan hơn nhưng so với 2021-2022 thì cũng chỉ mới quay lại đường đua.

"Giống ngành dệt may, các thị trường chính Mỹ, EU hết hàng tồn kho nên mua lại đơn hàng. Tuy nhiên chỉ ở mức tăng trưởng ổn định nhưng vẫn không có sự mạnh mẽ như sau dịch. Ngành vẫn phải theo dõi sát sao diễn biến thị trường", ông Bảo cho hay.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, từ ngày 8/5 - 11/5, Sở sẽ tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu. Sự kiện này thu hút rất nhiều thương hiệu lớn của quốc tế và nội địa tham dự, được coi là cầu nối và động lực thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ - Tây Nam bộ. Doanh nghiệp sản xuất của TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung còn có thể gia tăng khả năng tiếp cận và tìm hiểu nhu cầu, xu hướng thị trường thế giới.

Theo Cục thống kê TP.HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2024 đạt 366.947 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, nhu cầu mua sắm các mặt hàng 4 tháng tăng khá so cùng kỳ như: Lương thực, thực phẩm (tăng 8,6%); đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình (tăng 20,5%), gỗ và vật liệu xây dựng (tăng 29,9%); hàng may mặc (tăng 3,4%)…